PGS.TS Trần Đáng khẳng định thông tin nước mắm truyền thống nhiễm Asen không đáng tin
Hơn 67% nước mắm trên thị trường nhiễm thạch tín nặng (?!)
Hoang mang nguy cơ nhiễm thạch tín từ nước mắm có độ đạm cao
Biểu hiện của nhiễm độc thạch tín (asen)
Ăn nước mắm chứa Asen hữu cơ KHÔNG có nguy hại gì!
Theo PGS.TS Trần Đáng thì nước mắm là loại gia vị truyền thống được sử dụng rất lâu đời ở Việt Nam. Về chất lượng của các sản phẩm nước mắm truyền thống thì cũng còn nhiều vấn đề cần bàn tới để ngày càng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm và công bố thông tin gây sốc ngày 17/10 vừa qua là “hoàn toàn không đáng tin cậy”.
1. Thưa PGS.TS Trần Đáng, tại sao ông lại cho thông tin mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố: “Hơn 67% (101/150 mẫu) nước mắm trên thị trường nhiễm thạch tín (Asen) cao quá mức cho phép. Đặc biệt, nước mắm có độ đạm càng cao thì chứa thạch tín càng nhiều. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên cho kết quả hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là hoàn toàn không đáng tin cậy?
Có 4 lý do quan trọng để tôi kết luận rằng công bố này hoàn toàn không đáng tin cậy, đó là:
Một là: Cỡ mẫu của nghiên cứu chỉ là n=1, tức là mỗi nhãn hàng chỉ có một sản phẩm được xét nghiệm. Với cỡ mẫu n=1 thì kết quả xét nghiệm không có ý nghĩa gì trong thực tế cũng như trong khoa học, vì để có độ tin cậy cần thiết thì cần phải lấy ít nhất là 30 mẫu trở lên cho mỗi sản phẩm đem đi xét nghiệm.
Hai là: Khi công bố kết quả xét nghiệm lại không công bố đồng thời về phương pháp xét nghiệm. Ví dụ, trong xét nghiệm Asen trong nước mắm thì các phương pháp HPLC hay ICPMS là những phương pháp tin cậy.
Nước mắm truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng
Ba là: Khi công bố kết quả xét nghiệm cũng không công bố đồng thời về labo kiểm nghiệm, tiêu chuẩn của labo đó ra sao, có đủ khả năng đánh giá, kiểm nghiệm chính xác về sản phẩm nước mắm? Ví dụ, labo xét nghiệm trong nghiên cứu này đã có chứng nhận tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 cho chỉ tiêu xét nghiệm về Asen hữu cơ trong nước mắm hay chưa?
Bốn là: Kết quả kiểm nghiệm do VINASTAS công bố là các thông số về Asen hữu cơ (Organic Asen) nhưng trong quá trình công bố lại “khéo léo lồng ghép” việc so sánh với tiêu chuẩn Asen vô cơ do Bộ Y tế ban hành, gây nên sự nhầm lẫn và hoang mang rất lớn trong dư luận, là khó chấp nhận được!
2. Thưa ông, vậy với lượng Asen hữu cơ có trong các sản phẩm từ 1-5mg/1 lít nước mắm như VINASTAS thì có nguy hại gì cho sức khỏe người tiêu dùng hay không?
Tôi khẳng định ngay là KHÔNG, vì 3 lý do sau:
Một là: Về tiêu chuẩn an toàn thì cơ thể con người có thể hấp thu Asen hữu cơ trong khoảng từ 10-50 micro gram mỗi ngày.
Hai là: Thậm chí, Asen vô cơ cũng có thể được hấp thụ vào cơ thể qua đường ăn uống là 15mcg/1kg cân nặng cơ thể trong 1 tuần, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với hàm lượng từ 1-5mg Asen hữu cơ/1 lít nước mắm như VINASTAS thì giả thử mỗi ngày, mỗi người ăn 10ml nước mắm cũng sẽ chỉ đưa vào cơ thể tối đa 0,05mg Asen hữu cơ. Đối chiếu với các tiêu chuẩn trên thì lượng này còn QUÁ THẤP để có thể gây mất an toàn cho sức khỏe con người.
Ba là: Về tính độc thì Asen vô cơ rất độc, tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu sử dụng đúng liều lượng cho phép thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Asen hữu cơ ít độc hơn nhiều. Độc tính của Asen được xếp theo thứ tự: Asen vô cơ hóa trị 3 là độc nhất, tiếp đến là Asen vô cơ hóa trị 5, và cuối cùng là Asen hữu cơ. Cả Asen vô cơ và Asen hữu cơ đều rất phổ biến trong tự nhiên, đặc biệt là trong nước biển và thủy hải sản (cá, tảo, động vật thân mềm,…) đều có chứa hàm lượng Asen hữu cơ tự nhiên. Theo số liệu công bố khảo sát hàm lượng Asen trong thủy sản năm 2008 của nhiều tổ chức ở các nước thì trong cá ngừ hàm lượng Asen là khoảng 3,9mg/kg thịt cá; Trong cá nhỏ là 1,93mg/kg; Trong cá lớn là 1,96mg/kg; Trong động vật thân mềm là 5,91 – 10mg/kg. Theo đó, 87% Asen trong thủy hải sản là ASB (Asen hữu cơ).
Asen hữu cơ là asen liên kết với các nguyên tử carbon tạo thành 1 hợp chất mà trong phân tử có các nguyên tử carbon, và có thể có hydro và oxy, là một hợp chất ít độc. Theo nhiều cơ quan tiêu chuẩn quốc tế, lượng ăn vào cơ thể có thể chấp nhận được trong 1 tuần trên mỗi kg câng nặng cơ thể là 26,6mg. Đồng thời, đây là một hợp chất được hấp thu nhanh nhưng cũng được thải trừ rất nhanh. Thời gian bán thải trong cơ thể động vật có vú là 6h. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định rằng: Asen hữu cơ không gây ung thư, trong khi Asen vô cơ thì có thể là nguyên nhân gây ra ung thư. Mặt khác, nếu thủy hải sản ăn phải Asen vô cơ từ môi trường thì khi vào cơ thể chúng sẽ xảy ra quá trình methy – hóa để tạo thành Asen hữu cơ.
3. Vậy, theo đánh giá của ông thì việc VINASTAS tổ chức họp báo công bố một số thông tin về tiêu chuẩn Asen trong nước mắm như thời gian vừa qua là có phù hợp không?
Theo tôi thì VINASTAS không chỉ rất vội vàng trong việc công bố các thông tin không rõ ràng, gây hoang mang dư luận xã hội, mà còn vi phạm một số vấn đề trong quản lý và luật pháp, cụ thể:
Một là, VINASTAS có quyền tự lấy mẫu thực phẩm để thực hiện chương trình đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhưng phải thông báo với cơ quan chức năng liên quan; đồng thời, khi có kết quả thì phải thông báo với cơ quan quản lý chuyên ngành để thẩm định và xử lý, trước khi công bố rộng rãi.
Hai là, việc VINASTAS công bố về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như thời gian vừa qua là vi phạm các quy chế về công bố và phát ngôn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định Chính phủ và Bộ Y tế.
Ba là, hành vi công bố thông tin không rõ ràng và chính xác của VINASTAS có thể vi phạm điều 618 Bộ luật Dân sự và điều 145 Bộ luật Hình sự vì gây ảnh hưởng đến uy tín của rất nhiều doanh nghiệp và gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Vấn đề này chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục đánh giá trong thời gian tới.
Xin cảm ơn những ý kiến của ông!
Bình luận của bạn